Chuyện chai nước ở sân bay

 


Mấy hôm nay thấy các cháu teen teen share nhau câu chuyện đại ý một chai nước ở siêu thị giá 6k, ra sân bay là 20k… để thút thít động viên nhau rằng “Khi bạn cảm thấy vô giá trị, hãy đổi chỗ khác, đừng ở lại đó”. Hehe. Ừ thì cũng tốt, động viên mà. Cơ nhưng mà gì thì gì cũng phải nhớ rằng muốn đạo lý bằng phương pháp triết lý thì cái đầu tiên anh chị có phải là kiến thức. Mà cái này thì đám đông luôn thiếu.
Nhân dịp cả xã hội đang lên cơn chửi rủa, củi lò, bắt bớ… thôi thì Anh Ba lại bàn mấy chuyện nhỏ nhỏ này xem như giải trí cuối năm.
Đại ý câu chuyện bên trên ví chai nước như con người và chốt một câu chắc nịch nếu ở vị trí hiện tại quá rẻ mạt thì hãy dũng cảm té qua nơi khác để giá trị được nhân lên gấp nhiều lần.
Sẽ rất nguy hiểm nếu tin theo và thực hành điều này. Bởi lẽ nếu để ý sẽ thấy 99,69% những người share và yêu thích thể loại truyện “Chicken Soup for the Soul” kiểu như trên thường dốt môn triết học, các khái niệm cứ thế lộn tùng phèo.
Cụ thể trong chuyện chai nước này là không phân biệt được “giá trị” và “giá cả”. Chính sự hời hợt trong tư duy của người đọc sẽ khiến những lý luận 3 xu dễ dàng trở thành chân lý.
“Giá trị” của hàng hoá (cụ thể ở đây là chai nước) là một thuộc tính của hàng hoá, đó chính là lao động hao phí của người sản xuất để sản xuất ra nó đã được kết tinh vào trong hàng hoá.
Nhưng “giá cả” của một mặt hàng lại phụ thuộc vào: Giá trị của BẢN THÂN hàng hoá đó: tức là số thời gian và công sức lao động làm ra nó, Giá trị của đồng tiền và Quan hệ cung và cầu cầu về hàng hoá.
Rõ ràng chai nước vẫn là chai nước, chả có cái quái gì tiến bộ hơn cả. Chỉ là hệ sinh thái quanh chai nước thay đổi và thế là các cháu đăm chiêu, tâm đắc rằng “Ahihi, giá trị chai nước tăng nhanh vcl, thật là hoan hỉ”.
Muốn nâng giá trị bản thân thì phải tự mình học hỏi, làm được những việc mà hôm qua mình chưa làm được, sắp xếp thời gian khoa học hơn, chi tiêu hợp lý hơn chứ không phải ví mình như chai nước 6k rồi chạy ra sân bay mong người khác mua mình với giá 20k. Một con ruồi dẫu bâu vào đống rác hay trên miếng bò kobe thì ruồi vẫn là ruồi. Một thằng ngu thì đi đâu cũng vẫn là một thằng ngu. Chỉ là mức độ ăn tàn phá hại nó khác nhau do địa điểm tác nghiệp mà thôi.
Chai nước muốn có giá trị hơn thì tự bản thân nó phải bổ sung thêm khoáng chất, dinh dưỡng, điện giải… chứ không phải canh người ta chết khát rồi bán với giá gấp đôi. Đó không phải là giá trị lâu bền. Người chết khát trong sa mạc sẵn lòng uống nước đái để sống không có nghĩa rằng giá trị của vốc nước đái lúc này vượt trội ly đá chanh. Ok chưa?
Lý luận này tương đương với khẩu hiệu bọn ranh con mới nứt mắt, chưa ráo máu đầu hay treo trên phây “hãy là chính ta, kệ cha thiên hạ”. Mình đang là phiên bản hư, lỗi, vụng về thì phải cải thiện, cầu thị để khá hơn. Mười năm qua đã có rất nhiều người thầy lướt qua em, chỉ là em không nhận ra mà thôi.
Mỗi con người đều có con đường và phương hướng khác nhau vì thế hãy tự mình vạch ra những gạch đầu dòng cho năm mới, cất vào ví hoặc kẹp vào ốp lưng điện thoại. Trong năm mới cố gắng hoàn thành. Cứ đi rồi sẽ tới, dẫu bước chậm còn hơn là đứng yên, lưu thông quan trọng hơn lưu lượng.
Hạt đất trên tượng Phật dẫu hàng ngày vẫn được hưởng tí hương nhang nhưng cuối năm các sư, sãi sẽ lau chùi. Chỉ có gốm được nung nóng ngày đêm rồi nhào nặn thành hình tượng mới được bái lạy nghìn năm.
Nguồn: Anh Ba Sài Gòn

Post a Comment

Previous Post Next Post

نموذج الاتصال